Trang Thời Sự


Vấn Đề Nhân Quyền
Trong Hiệp Ước TPP giữa Hoa Kỳ và Việt Nam

Tác giả: Kiều Trọng Tấn
Thể loại: Thời Sự

     Vừa qua, ngày 16/8/2013, phiên tòa phúc thẩm của vụ án hai sinh viên yêu nước: Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha. Kết quả phiên tòa thì Phương Uyên được tha bổng và giữ án 3 năm tù treo, bản án của Nguyên Kha còn bốn năm tù giam!
      Nhận định của giới truyền thông trong nước, của những nhà phân tích chính trị... Đã có những bài viết đăng trên các bloggers đấu tranh Dân Chủ, những bloggers Tự Do, những trả lời phỏng vấn của các đài truyền thanh như BBC... Tất cả đều có cùng một xác định là phiên tòa phúc thẩm ở tòa án Long An trả tự do cho Phương Uyên và giảm án cho Nguyên Kha là một món quà đầu tiên đáp lễ trong chuyến công du Hoa Kỳ của Trương Tấn Sang vừa qua, vào ngày 25/7/2013.
      Nhắc lại chuyến công du Hoa Kỳ của Trương Tấn Sang, mục đích không ngoài việc nhà cầm quyền Hà Nội muốn đạt được kết quả trong tiến trình xin gia nhập Hiệp Ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nhưng khác hẳn với các chuyến công  du trước kia của những nhà lãnh đạo CSVN như: Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Minh Triết... Lần nầy, Trương Tấn Sang đã bị cả hai viện Thượng và Hạ của Hoa Kỳ đưa vấn đề nhân quyền vào “ưu tiên hàng đầu” trong nghị trình thảo luận.
      Ở Hạ viện, trước ngày chủ tịch nước Việt Nam đến Mỹ, Hạ Viện Hoa Kỳ đã có một cuộc điều trần với đề tài nổi bật là nhân quyền tại Việt Nam. Các Dân biểu trong Tiểu ban Đối Ngoại Hạ Viện muốn Tổng thống Obama gây áp lực mạnh để chính phủ Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền và luật pháp. Với lá thư của dân biểu Edward Roy chủ tịch ủy ban đối ngoại Hạ Viện đưa ra 3 điểm chính yêu cầu tổng thống Obama đặt vấn đề với Trương Tân Sang, nội dung có tính áp lực:
■Kêu gọi ngài Chủ tịch tôn trọng quyền tự do chính trị thực sự bằng cách bãi bỏ hai điều khoản về an ninh, Điều 79 và Điều 88 của Bộ Luật Hình sự, vốn ngăn cấm quyền tự do lập hội và tự do ngôn luận.
■Kêu gọi trả tự do cho những người bảo vệ nhân quyền cũng như tất cả các tù nhân lương tâm khác, trong đó có luật sư Lê Quốc Quân, nhạc sỹ Việt Khang cùng hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha.
■Yêu cầu nới lỏng những hạn chế về internet, trong đó có việc chấm dứt biện pháp sử dụng công nghệ lọc, tấn công mạng nhằm vào giới blogger, và chính sách ngăn chặn việc truy cập vào các phương tiện truyền thông xã hội.
     Thêm nữa, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đã có phiên điều trần kéo dài hai ngày về tình hình nhân quyền ở Việt Nam dưới sự chủ trì của ông Chris Smith, thành viên cao cấp của Ủy ban.
Phiên điều trần đã lắng nghe các cáo buộc vi phạm nhân quyền của Chính phủ Việt Nam, nhất là trong vấn đề tự do tôn giáo và cưỡng chiếm đất đai. Cũng trong phiên điều trần của Hạ Viện , một số người tham dự đã kêu gọi Chính quyền Obama đưa Việt Nam trở lại sổ đen các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo, tức CPC, của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và đặt điều kiện về nhân quyền trong quá trình đàm phán TPP với Hà Nội.
     Tất cả những áp lực của lưỡng viện Quốc Hội đã làm cho tổng thống Obama phải dùng đến chính sách “Củ cà rốt TPP” để buộc Hà Nội phải chứng tỏ cải thiện “Nhân quyền” ở Việt Nam thì mới có hy vọng thảo luận vấn đề Hiệp Ước Xuyên Thái Bình Dương mà Việt Nam đang khao khát gia nhập. Cũng ở những điểm “Lừa dối trong ngoại giao” trước kia của những nhà lãnh đạo CSVN khi công du Hoa Kỳ, chẳng hạn như xin gia nhập WTO xong thì không những Hà Nội “không thực thi” lời hứa nhân quyền với Hoa Kỳ, mà còn “gia tăng đàn áp và bắt bớ” nhiều nhà đấu tranh Dân Chủ trong nước! Ở điểm nầy các nhà lãnh đạo CSVN đã lộ hẳn ra những con người gian xảo và quỷ quyệt, làm mất uy tín ngoại giao với Hoa Kỳ....
      Cũng vì đã bị lừa dối nhiều lần trong những cam kết nhân quyền của CSVN với chính phủ Hoa Kỳ, nên lần công du vừa qua của Trương Tấn Sang đã bị áp lực của lưỡng viện Quốc Hội lên tổng thống Obama. Bởi thế, tổng thống Obama đã “ không”  đón tiếp chủ tịch Trương Tấn Sang như là một “quốc khách” khi đến Hoa Kỳ nên không trải thảm đỏ để tiếp Trương Tấn Sang! Nhìn vào thái độ của Hoa Kỳ đón tiếp một vị chủ tịch nước CHXHCNVN không có nghi lễ “Quốc khách”, đã chứng tỏ những nhà lãnh đạo CSVN không có một chút nào uy tín đối với Hoa Kỳ. Thật là hổ thẹn cho giới cầm quyền Hà Nội!
       Trong chuyến công du Hoa Kỳ của Trương Tấn Sang, những cái hành vi xấu hổ để đời nhất của một vị chủ tịch là: Nhận bừa “đại diện cho tập thể người Việt ở Mỹ” để hưởng thơm sự thành công của người Việt Quốc Gia ở Hoa Kỳ, thật là trơ trẻn cho hành động của Trương Tấn Sang là con của người ta mà dám nhận là con của mình!! Còn nữa, ông Trương Tấn Sang mang theo trong người một cái lá thư của Hồ Chí Minh gởi cho tổng thống Harry Tryman vào năm 1946, có nội dung nhắc nhở về quan hệ giữa Cộng Sản Việt Nam với Hoa Kỳ đã có từ thời đại Hồ Chí Minh làm chủ tịch, và mãi tới hôm nay chủ tịch Trương Tấn Sang cũng muốn giữ “Quan hệ” nầy, để không phụ lòng của các bậc tiền bối!!!!!!! Và rồi sau đó, tổng thống Obama không hiểu được sự thâm độc của Trương Tấn Sang nên vội vã khen ngợi về nội dung bức thư:
- Hồ Chí Minh thực sự có cảm hứng nhờ Tuyên ngôn Độc lập và Hiến pháp Hoa Kỳ, và những lời nói của Thomas Jefferson.Hồ Chí Minh đã nói ông muốn hợp tác với Hoa Kỳ. Và Chủ tịch Sang bày tỏ rằng ngay cả nếu 67 năm đã trôi qua, thì cũng là điều tốt khi chúng ta còn đang có tiến bộ...
     Ngay lập tức, lời khen nầy đã bị phe hữu tấn công trên Fox News, gọi bình luận của ông Obama là “ngu dốt”, phải chăng ông xúc phạm giới cựu binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam.
Chris Stirewalt, biên tập viên chính trị của Fox News, cho rằng ngụ ý của ông Obama, tổng thống thuộc đảng Dân chủ, là “giá như ông Hồ và Truman có thể làm những gì mà Obama và ông Sang làm tuần này, thì đã tránh được biết bao hiểu lầm”. Ông này nói thêm “thật khó hiểu làm sao” người Cha Lập Quốc như Jefferson lại “gây cảm hứng cho sự nghiệp giết chóc của nhà độc tài Việt Nam”.
     Trên tờ Wall Street Journal, cây bút Ronald Radosh lại nói Hồ Chí Minh “không phải là Washington hay Jefferson; ông ta là tay Marxist-Leninist trung thành”. Và“Hãy gạt đi ý tưởng là Hồ Chí Minh có chút gì quan tâm đến Tuyên ngôn Độc lập, ngoại trừ đó chỉ là công cụ mà có lúc ông ta dùng đến để hy vọng đạt được các mục tiêu cộng sản,”.
      Ông Hồ Chí Minh đã trích dẫn Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của Mỹ đã bị một số chính khách đảng Cộng hòa cũng ra tuyên bố phản đối.
* Dân biểu Texas, Sam Johnson, từng bị giam bảy năm tại nhà tù Hỏa Lò ở Hà Nội trong thời chiến, nói ông Obama “xúc phạm” các tù nhân chiến tranh:Đây là cú tát vào mặt những người từng phục vụ - và đặc biệt những ai phải trả cao nhất cho tự do trong thời kỳ đen tối đó,”
* Dân biểu Ileana Ros-Lehtinen tuyên bố: "Đánh đồng Hồ Chí Minh với Thomas Jefferson là xúc phạm cống hiến và hy sinh của những người từng phục vụ ở Việt Nam".
      Quả thật , giới cầm quyền Hà Nội lần nầy định đem bức thư của Hồ Chí Minh ra nhằm để chứng tỏ chế độ CSVN là một chế độ vốn có “Nhân Quyền” từ thời Hồ Chí Minh. Nhưng chiêu thức “Ôn cố tri tân” của Hà Nội không có kết quả!
      Trở lại vấn đề Nhân Quyền ở Việt Nam, chuyến công du Hoa Kỳ của ông Trương Tấn Sang đã rơi vào trường hợp “Đi không lại về không”! Giá như giới cầm quyền Việt Nam giống như tổng thống Miến Điện Thein Sein, phóng thích hằng loạt tù chính trị trước khi công du ngoại quốc, đã được Obbama đón tiếp long trọng tại Nhà Trắng và nhận ngay 170 triệu dollars viện trợ tức khắc và EU cũng tháo gở những cấm vận Myanmar trong quá khứ. Nghĩa cử vì đất nước và dân tộc Miến Điện của tổng thống Thein Sein, được giới truyền thông ca ngợi:
- Chuyến công du đầu tiên của Tổng thống Thein Sein đến Mỹ được coi là biểu tượng. Giờ là lúc các quan hệ kinh tế, chính trị giữa hai nước sẽ lên ngôi.
    Theo nhận định của bà Aida Simonya, viện nghiên cứu Phương Đông của Nga thì nhận xét: - - Cứ đà này, Myanmar sẽ trở thành “con rồng của châu Á” và nơi đây sẽ diễn ra cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa Mỹ và Trung Quốc.
     Trở lại chuyến công du Hoa Kỳ của Trương Tấn Sang, giới cầm quyền Hà Nội vẫn còn giữ chiêu thức “đánh lận con đen” nhằm lừa dối Hoa Kỳ trong vấn đề nhân quyền! Chiêu thức “nhân quyền giai đoạn” của những người lãnh đạo Việt Nam đã không còn hợp thời và hữu hiệu nữa! Như vậy, vụ án Phương Uyên và Nguyên Kha mà Hà Nội chỉ đạo cho tòa án Long An thi hành: Trả tự do cho Phương Uyên và giảm án cho Nguyên Kha còn 4 năm tù giam. Tất nhiên không đủ làm giá trị trong tiến trình đàm phán TPP giữa Hà Nội và Washington.
     Tại sao giới lãnh đạo Hà Nội không học theo tinh thần Vì Dân và Vì Nước của tổng thống Thein Sein ở Miến Điện để đưa Việt Nam trở thành một quốc gia thật sự phú cường ở Đông Nam Á và toàn dân Việt Nam sẽ đoàn kết để chống lại bọn bành trướng Bắc Kinh đang có ý đồ xâm chiếm Việt Nam!!!


Adelaide tháng 20/8/2013
Kiều Trọng Tấn